Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu mong muốn được lấy hàng từ nhiều nguồn

Resiuss

Senior Member
8h sáng nay 14.5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu (thay thế cả 3 Nghị định trước đây là Nghị định 80, 95 và 83).

Góp ý cho dự thảo, trao đổi với Lao Động, TS Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc cho biết, Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu nên bảo lưu doanh nghiệp bán lẻ được lấy từ nhiều nguồn, ít nhất là 3 nguồn.

"Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu vừa qua đã cho doanh nghiệp bán lẻ được lấy 3 nguồn, doanh nghiệp hoạt động rất tích cực, hiệu quả, vậy tại sao dự thảo mới lại thay đổi", ông Giang Chấn Tây đặt câu hỏi.

Ông Giang Chấn Tây cũng cho biết, khi xây dựng nghị định mới cần xác định chi phí kinh doanh để làm giá cơ sở đối chiếu, nên lấy theo tỉ lệ %... thì doanh nghiệp mới chủ động được trong hoạt động kinh doanh.

"Chi phí mà tính theo giá trị tuyệt đối là mình tự trói buộc mình, không linh hoạt và sẽ dễ bị lạc hậu khi trượt giá, không phù hợp với cơ chế thị trường. Phần tỉ lệ % này nên ghi trong Nghị định là điều chỉnh theo Thông tư khi cần sẽ linh hoạt hơn", ông nói.

Xang-Dau-Compressed-.jpg

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu mong muốn được lấy hàng từ nhiều nguồn. Ảnh: Hải Nguyễn

Liên quan tới dự trữ lưu thông, ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT PVOil cho rằng, về nguyên tắc dự trữ lưu thông an ninh quốc gia là trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp là nộp thuế. Vì vậy, việc quy định mức dự trữ 20 ngày như hiện nay là hợp lý, tránh gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

“Hiện nay, chúng ta đang bỏ qua vai trò lớn đó là dự trữ của 2 nhà máy lọc dầu. Thực tế, họ luôn luôn có lượng dầu thô đáp ứng 20 - 30% lượng dự trữ để đảm bảo vận hành. Riêng 2 nhà máy lọc dầu dự trữ 14 ngày”, ông Cao Hoài Dương chia sẻ.

Còn theo ông Phan Văn Thoại - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (SaiGon Petro), lượng hàng dự trữ lưu thông tối thiểu bằng 30 ngày, điều này làm ảnh hưởng khá lớn đến nguồn tài chính cũng như rủi ro về giá của doanh nghiệp.

Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị rút ngắn lượng hàng dự trữ lưu thông tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân 1 ngày (không bao gồm lượng hàng thương nhân đầu mối bán cho thương nhân đầu mối) của năm liền kề, cả về cơ cấu chủng loại hoặc dự trữ lưu thông tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội bình quân 1 ngày (không bao gồm lượng hàng thương nhân đầu mối bán cho thương nhân đầu mối) của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại.

Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex đề nghị ngày dự trữ lưu thông đối với thương nhân đầu mối duy trì ở mức tối thiểu 20 ngày. Bởi, hai nhà máy trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nội địa, logistics từ hai nhà máy lọc dầu về các kho xăng dầu của thương nhân đầu mối khoảng 4 ngày.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã sử dụng công cụ kiểm soát bổ sung đối với các thương nhân đầu mối thông qua chỉ tiêu mức phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu hàng năm, đây là chỉ tiêu rất linh hoạt nhằm ổn định thị trường và sát với nhu cầu tiêu thụ của xã hội. Đồng thời, việc quy định tồn kho nằm trên lãnh thổ Việt Nam bản chất đã tăng số ngày dự trữ so với hiện hành vì hiện nay việc xác định ngày tồn kho đang được thực hiện theo chế độ kế toán (bao gồm hàng đi đường từ cảng xếp nước ngoài trước khi về đến lãnh thổ Việt Nam).
 
Back
Top