TPHCM kỳ vọng tạo bước đột phá trong quản lý vỉa hè

david09c

Senior Member
TPHCM bắt tay triển khai thí điểm cho thuê một phần vỉa hè để buôn bán với kỳ vọng sẽ mang lại bước đột phá rất lớn trong công tác quản lý vỉa hè, lòng đường.
TPHCM kỳ vọng tạo bước đột phá trong quản lý vỉa hè


Một quán phở bày bàn ghế cho khách ngồi ăn trên phần diện tích vỉa hè đăng ký sử dụng ở đường Hải Triều. Ảnh: Minh Quân
Ai được đăng ký sử dụng vỉa hè?
Đường Hải Triều (Quận 1) được kẻ 2 vạch, bao gồm vạch để hộ kinh doanh (tính từ mép nhà ra ngoài) và vạch để xe gắn máy (từ mép đường trở vào), phần giữa khoảng 1,5m dành cho người đi bộ. Những ngày qua, anh Nguyễn Huy Hoàng - chủ quán phở trên đường Hải Triều bày thêm 2 bộ bàn ghế ra vỉa hè cho khách ngồi ăn.
Anh Hoàng là một trong những hộ kinh doanh đầu tiên ở Quận 1 đóng tiền sử dụng vỉa hè. Mỗi mét vuông vỉa hè ở Quận 1 có mức phí 100.000 đồng/tháng, anh Hoàng đăng ký sử dụng 8m2 vỉa hè trước nhà. "Tôi đóng tiền sử dụng liên tục trong 3 tháng, tổng chi phí 2,4 triệu đồng. Mức phí này khá phù hợp so với vị trí khu trung tâm”- anh Hoàng chia sẻ.
Đường Hải Triều nằm trong số 11 tuyến đường ở Quận 1 thí điểm cho thuê vỉa hè tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa từ ngày 9.5.
Tại các tuyến đường này, người dân đăng ký thông qua phần mềm “Tra cứu chức năng hè phố Quận 1”. Trên ứng dụng này có nhiều mục như danh sách phường, tuyến đường trong diện thí điểm... Người có nhu cầu khi đăng ký cần cung cấp các thông tin cá nhân, diện tích sử dụng, thời gian, mục đích... Khi đáp ứng các điều kiện, địa phương sẽ cấp phép.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thành Phát - Trưởng phòng Quản lý đô thị Quận 1 - cho biết, đến nay có gần 100 hộ dân đã đăng ký sử dụng vỉa hè để buôn bán và đóng phí. Hiện, chỉ chủ hộ hoặc người đang thuê nhà được xem xét cho sử dụng vỉa hè.
“Quận ứng dụng công nghệ trong việc đăng ký và thu phí để tăng tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân. Việc thí điểm thực hiện đến cuối tháng 9, sau đó địa phương sẽ đánh giá, triển khai đồng bộ qua những tuyến đường khác nếu đủ điều kiện” - ông Phát nói.
Ngoài Quận 1, hiện một số địa phương khác đã gửi đến Sở GTVT TPHCM danh mục tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện để sử dụng tạm thời một phần ngoài mục đích giao thông. Sau khi được Sở GTVT chấp thuận, các địa phương dự kiến triển khai trong tháng 6 hoặc quý IV/2024.
Đại diện UBND Quận 10 sau khi khảo sát có 28 tuyến đường có vỉa hè, đoạn vỉa hè rộng từ 3m trở lên đủ điều kiện sử dụng tạm thời để tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa. Tại Quận 12, địa phương này cũng ban hành danh mục 15 tuyến đường bảo đảm điều kiện sử dụng tạm có thu phí…
Du khách đi bộ trên vỉa hè đường Hàm Nghi (Quận 1, TPHCM) - tuyến đường thí điểm cho thuê vỉa hè. Ảnh: Minh Quân


Du khách đi bộ trên vỉa hè đường Hàm Nghi (Quận 1, TPHCM) - tuyến đường thí điểm cho thuê vỉa hè. Ảnh: Minh Quân
Không đặt ra quy định để thu phí tất cả vỉa hè
Hiện có nhiều ý kiến lo ngại sẽ xảy ra các trường hợp vi phạm trong sử dụng vỉa hè hoặc có hành vi lợi dụng chủ trương để trục lợi.
Về việc này, Chủ tịch UBND Quận 1 Lê Đức Thanh thừa nhận, trong quá trình triển khai, dự báo có các trường hợp vi phạm như sử dụng vượt diện tích, sử dụng làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng, hoặc có dấu hiệu trục lợi qua việc không đăng ký sử dụng trên phần mềm.
Ông Lê Đức Thanh khẳng định, Quận 1 sẽ xử lý vi phạm theo quy định. “Chúng tôi cũng xác định trách nhiệm của chủ tịch UBND các phường trong quản lý địa bàn nếu để xảy ra các vi phạm nghiêm trọng” - ông Thanh nói.
Theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm, trường hợp khu vực vỉa hè mà doanh nghiệp và người dân muốn thuê có ảnh hưởng tới những hộ lân cận thì người đề xuất thuê phải thống nhất với các hộ đó hoặc địa phương sẽ đứng ra tổ chức lấy ý kiến, tạo sự đồng thuận, hài hòa.
"Thành phố không bày ra quy định để thu phí tất cả vỉa hè. Những trường hợp đụng đến lợi ích của nhiều hộ thì buộc phải tham vấn ý kiến, đồng thuận hết mới làm” - ông Lâm nói.
Đây không phải lần đầu tiên TPHCM quyết tâm "giành" lại vỉa hè cho người đi bộ. Trước đây đã có rất nhiều chiến dịch ra quân quyết liệt, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của tất cả người dân, song đâu lại vào đó, người đi bộ lại phải bất lực nhường vỉa hè cho hàng quán, xe cộ.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM tự tin đề án mới này sẽ mang lại bước đột phá rất lớn trong công tác quản lý vỉa hè, lòng đường bởi đây là phương án khai thác không gian đường phố và đô thị bắt nguồn từ nhu cầu thực tế, có sự đồng thuận của xã hội. "Phường đứng ra thu tiền theo đúng pháp luật và người dân cũng sẽ được quyền giám sát" - ông Lâm nói.
 
Back
Top