kiến thức Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về vấn đề tăng áp cho nước sinh hoạt gia đình

Chào các bác.

Nâng cao chất lượng cuộc sống có rất nhiều phương pháp, một điểm rất chung của điều này là làm cho các hoạt động thường ngày trở nên thuận tiện hơn, dễ dàng hơn.

Có người lựa chọn mua xe tốt, điện thoại tốt, máy rửa bát, máy hút bụi… nhưng một thứ tưởng như rất đơn giản nhưng cũng không kém phần quan trọng mà lại ít người để ý, hoặc có để ý thì cũng chưa định hướng được là phải làm gì, làm thế nào, đó là nâng cao chất lượng cấp nước cho đường nước sinh hoạt tại gia đình.

Cấp nước của hộ gia đình không đủ mạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến những thiết bị nước cần áp suất và lưu lượng nước cao mới hoạt động đúng chức năng như máy lọc nước, máy giặt, vòi xịt bệ xí, vòi sen… nhất là giờ nhiều gia đình dùng vòi sen cây.

Gần đây thấy nhiều bác quan tâm tới nội dung này và cũng có nhiều kinh nghiệm được chia sẻ nhưng chưa có ai tổng hợp lại thành một bài viết tổng thể để dễ hiểu, dễ làm.

Sau đây là nội dung chia sẻ kinh nghiệm từ cá nhân người dùng chứ không phải từ người có chuyên môn sâu, do chỉ là kinh nghiệm nên có nhiều thứ viết ở đây có thể chưa hoàn toàn chuẩn chỉ theo đúng định nghĩa, chưa đầy đủ như một bài nghiên cứu, một số kiến thức cũng đi tham khảo từ nhiều nơi, nhiều người, có cả những điều tham khảo được từ thành viên trong Voz này. Do đó khi một nội dung nào đó được viết ra ở đây mà không được trích dẫn cụ thể hoặc không đề tên tác giả thì cũng xin các bác thông cảm, lâu quá không nhớ được là đọc của ai và việc tìm kiếm lại xem ai viết cũng rất mất thời gian.



Vào vấn đề cụ thể.



I. Cấp nước cho gia đình cần để ý điều gì?

Để nước chảy ra được nhiều và phun tia mạnh thì cấp nước sinh hoạt gia đình thường phải quan tâm tới 2 yếu tố: lưu lượng và áp lực. Lưu lượng và áp lực nước đều cùng tác động tới kết quả là bao nhiêu nước được chảy ra, trong việc cấp nước gia đình thì theo mình nên chia theo tỉ lệ tác động là lưu lượng 3 phần còn áp lực 7 phần.

Lý do chia kiểu ấy bởi ống cấp nước tổng có thể to nhưng vòi cấp nước vào thiết bị lại khá nhỏ, nếu áp lực nước không lớn thì khó đẩy nước chảy nhanh, nhiều trong các vòi này.

1. Lưu lượng nước

- Lưu lượng hiểu đơn giản là số lượng nước chảy ra được trong một thời gian nhất định. Lưu lượng bị tác động chủ yếu bởi kích thước ống dẫn, ống càng to thì lưu lượng chảy càng lớn. Lưu lượng lớn thì tạo ra đơn giản: chỉ cần ống dẫn to là đủ.

- Lưu lượng thì ít phải quan tâm trong trường hợp này vì ống dẫn nước các gia đình âm tường cũng dùng loại tầm 27mm trở lên nên việc mở 1-2 thiết bị nước đồng thời ít bị ảnh hưởng (dấu hiệu ảnh hưởng ở đây là khi mở thêm thiết bị thì nước sẽ "yếu" đi vì ống dẫn không thể tải đủ lượng nước để cung cấp).

- Đối với việc có nhiều thiết bị nước trên một trục và thường xuyên sử dụng nhiều thiết bị nước cùng lúc thì phải tăng kích thước ống dẫn nước chính lên, có thể là lên tới 34mm chẳng hạn, hoặc lớn hơn nữa.

2. Áp lực nước

- Áp lực nước hiểu đơn giản là lực đẩy nước chảy trong đường ống, do nước có độ "nhớt" nên để chảy nhanh, nhiều trong đường ống nhỏ thì nó cần phải có lực đẩy. Áp lực lớn thì nước chảy ra nhanh hơn, phun xa hơn.

- Để tạo ra áp lực nước lớn thì phức tạp hơn, cần có áp suất nén nước lớn, áp suất này tỉ lệ thuận với chiều cao cột nước (bồn chứa càng cao so với mặt đất thì lực nén nước càng lớn, cứ cao thêm 1m thì áp suất nước tăng khoảng 0,1kgf/cm2.), áp suất nước ở mức đủ dùng trong gia đình theo mình phải tầm 1,5kgf trở lên, tức là bồn chứa phải cao tầm 15m so với thiết bị nước, như vậy bồn chứa đặt trên tầng 4 mới tạo ra được áp lực mức ấy ở tầng 1, còn tầng 2, 3, 4 thì áp lực lại giảm dần nhé (do cột nước đã ngắn đi).

Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà nhiều người rất khó chịu vì nước ở các tầng trên cao "yếu" tới mức không dùng nổi, hoặc thắc mắc tại sao cái vòi nước sát mặt đất chảy rất mạnh mà vòi sen (đặt ở vị trí cao 2m) thì lại chảy yếu hơn (một phần yếu hơn cũng do dây dẫn vòi sen nó rất nhỏ).

Vấn đề lưu lượng và áp lực hiểu đơn giản bằng ví dụ: con sông lớn thì nước chảy nhiều, con sông dốc thì nước chảy nhanh, con sông vừa lớn vừa dốc thì nước chảy nhanh và nhiều.

II. Giải pháp để tăng chất lượng cấp nước

Như nói ở trên, trục ống nước chính có thể lớn nhưng vòi dẫn nước vào thiết bị lại rất nhỏ, trong khi trục nước của các gia đình cũng đều dùng ống tầm 27mm rồi do đó để tăng chất lượng cấp nước thì ta nên tập trung vào việc làm sao để nâng áp lực nước.

1. Một số giải pháp có thể thường được lựa chọn

a. Lắp trực tiếp đường nước máy vào hệ thống cấp nước gia đình.


- Ưu điểm: nước máy có áp lực khá cao nên nước chảy nhanh, mạnh .

- Nhược điểm: một số nơi áp lực nước máy rất cao, có thể phá hỏng đường ống nước và các thiết bị nước (giải pháp cho việc này: lắp van giảm áp). Nhưng nhược điểm cực lớn đó là nước máy không ổn định hoặc chỉ cấp theo giờ, do đó nếu rơi vào thời điểm không có nước thì lấy gì dùng đây?

b. Tăng chiều cao cột nước bằng cách xây trụ cao để đặt bồn chứa nước, đặt bồn chứa nước lên sân thượng của nhà nhiều tầng

- Ưu điểm: do có nước chứa trong bồn chứa nên khi không có nước máy thì vẫn có nước để sử dụng.

- Nhược điểm: không phải ai cũng có nhà cao tầng mà đặt bồn chứa, việc xây trụ cao hơn chục mét cũng vô cùng tốn kém với để có được áp nước 1,5kgf thì trụ phải cao tầm 15-17m. Trong khi đó nhà cao tầng thì nước ở các tầng trên cũng yếu bởi cột áp nó thấp đi rất nhiều rồi.

c. Lắp máy bơm tăng áp cho đường nước

Biện pháp này là rẻ và khả thi nhất so với 2 biện pháp trên, chi phí với các thiết bị phổ thông sẽ rơi vào khoảng 2-5 triệu.

- Ưu điểm: nước mạnh, chi phí chấp nhận được với phần lớn các hộ gia đình.

- Nhược điểm: nếu lắp bơm loại không tự động điều chỉnh được công suất thì nước sẽ rất hỗn (hỗn thế nào thì giải thích ở phần sau). Tuy nhiên nhược điểm này đã có biện pháp khắc phục vì có loại bơm tự động điều chỉnh được công suất (cũng nói ở phần sau).

III. Máy bơm tăng áp

Theo như phần II thì việc lựa chọn máy bơm tăng áp là một biện pháp kinh tế, dễ làm và khả thi nhất, do đó phần này sẽ chỉ nói về nó.

Ở phần này ta cần hiểu vấn đề nước hỗn như sau: thiế bị nước có nhiều loại khác nhau, tuy nhiên nhu cầu sử dụng nước không giống nhau và nhiều thiết bị còn có chức năng điều chỉnh lượng nước cần sử dụng như vòi sen, vòi rửa…

Đối với nước bình thường thì khi mở nước ở mức nhỏ thì nước sẽ chảy ra ít, lực phun không mạnh; khi mở lớn thì ngược lại (1).

f2f3e8f2a074867db7c2ea4890545fea.jpg_720x720q80.jpg_.webp


Còn nước hỗn là khi mở nhỏ nước ra ít nhưng nó lại phun thành tia rất mạnh, gây khó chịu khi sử dụng vì nước bắn tung toé; khi mở lớn thì nước phun xối xả với lưu lượng quá lớn so với nhu cầu sử dụng. Nếu dùng trong tắm gội thì nó gây ra cảm giác đau khi tia nước mạnh phun trục tiếp vào người (2).

photo-1-1594375939197199975700.png




Lưu ý (1) và (2) để nói trong trường hợp dùng bơm tăng áp, không dùng để nói với trường hợp khác.

* Máy bơm tăng áp cho gia đình thường gặp những loại nào?

Phổ thông nhất ở thị trường hiện nay có mấy loại như sau:

1. Nhóm bơm "ngu"

- Giá tiền: khoảng 2 triệu đổ lại cho bơm 250w.

- Tính năng:

Gọi là bơm ngu bởi vì cứ cấp điện thì nó chạy cật lực, chả có điều chỉnh công suất gì hết, dùng ít nước hay nhiều nước thì nó vẫn chạy hết công suất như nhau. Ưu điểm chung của nhóm này là giá tiền bơm không cao (nói là không cao chứ không phải rẻ vì những gì nó mang lại chưa xứng đáng được gọi là rẻ). Nhược điểm thì ồn ào, tốn nhiều điện vô ích khi mà nhu cầu người dùng ít nước thì nó vẫn chạy tối đa công suất để đẩy nhiều nước, tạo ra nước hỗn, ít chế độ bảo vệ thiết bị (thường thì chỉ có chế độ bảo vệ quá nhiệt máy bơm).

Loại này rất khó để lắp một máy bơm cho nhiều thiết bị nước vì máy bơm nhỏ không đủ kéo nhiều thiết bị, máy lớn khi chỉ dùng một thiết bị nước lại dẫn đến nước hỗn…, càng khó hơn trong việc lựa chọn bơm cho thiết bị dùng ít nước (máy lọc nước) bởi có một số mẫu máy lọc nước có yêu cầu áp suất nước tối thiểu để chạy như là AO Smith. Để giảm tình trạng nước hỗn thì chỉ lắp 1 bơm cho một thiết bị nước thôi, lựa chọn công suất bơm phù hợp thì mới giải quyết được vấn đề.

Ô, thế có nhiều thiết bị nước thì phải lắp nhiều bơm? Vậy có mà vỡ mồm.

Nhóm này có mấy loại sau:

- Bơm dùng rơ le cơ khí (3):

panasonic-a130jak-125w-a.jpg


loại này là truyền thống nhất rồi, cấu tạo bơm gồm có bình tích áp, rơ le áp suất, van một chiều và đương nhiên có các bộ phận bơm như một máy bơm bình thường khác.

Nó hoạt động theo cách: khi mà người sử dụng mở thiết bị nước thì áp suất nước trong đường ống và bình tích áp giảm, rơ le đóng điện cho bơm chạy; khi người sử dụng tắt thiết bị nước thì áp suất nước sẽ cao lên, nén vào rơ le áp suất và nó cắt điện cấp cho bơm.

Quả bình tích áp có tác dụng tích trữ một lượng nước vào trong để duy trì áp suất nước nhằm khoá van 1 chiều trong bơm và đồng thời cũng nén làm ngắt rơ le cấp nguồn cho bơm khi không sử dụng nước.

- Bơm dùng rơ le điện tử (4):

Untitled-2-111.jpg


ngoài việc thay rơ le cơ khí bằng rơ le điện tử thì nó chả khác gì cái bơm dùng rơ le cơ khí hết, nó không có tiếng đóng rơ le lạch tạch nữa vì sử dụng rơ le có cấu tạo là linh kiện bán dẫn.

* Loại bơm (3) và (4) còn có nhược điểm chung đó là bơm sẽ bị tắt mở liên tục khi dùng nước với lưu lượng ít, tại bơm luôn chạy hết công suất nên dùng ít nước sẽ thường xuyên tăng áp suất nước lên cao tới mức đủ để ngắt rơ le, lúc này bơm dừng. Ngay sau đó áp suất nước lại giảm và bơm chạy, nó cứ lặp lại liên tục chu kỳ như vậy.

Đi nhà nghỉ thường gặp nước chảy mạnh > yếu > mạnh > yếu theo nhịp thì nguyên nhân chính là đây.

Có một số hướng dẫn trên mạng là tháo rơ le áp lực, vặn ốc để tăng áp suất cắt của rơ le, đúng là cách này sẽ là giảm hoặc hết hẳn tình trạng bơm chạy theo nhịp như trên, nhưng nó là cách làm sai, bởi tăng áp suất cắt lên thì áp suất nước trong đường ống sẽ lớn, có khi tới gần 10kgf nên đường ống và thiết bị nước có thể bị phá hỏng vì áp suất quá cao (hình như áp suất cắt của rơ le nó chỉ nằm ở mức 2,5kgf). Lý do lên được tới gần 10kgf bởi khi đang mở nước lớn rồi đóng đột ngột thì quán tính của bơm vẫn còn, nó dồn tiếp nước dẫn tới áp suất nước lên cao như vậy.

Loại bơm này còn gây ra hiện tượng va đập thuỷ lực trong đường ống, khi mở nước mạnh và đóng nước đột ngột thì sẽ thấy đường ống rung lắc và phát ra tiếng động khá lớn, điều này làm cho đường ống dễ bị đứt gãy và ồn ào rất khó chịu.

Cũng có một số hướng dẫn khác để khắc phục hiện tượng bơm chạy theo nhịp, đó là lắp một bình tích áp có thể tích lớn hơn, nhưng vấn đề là giá bình này cũng chả rẻ, một bình 25 lít cũng phải hơn 1 triệu bạc.

- Bơm dùng cảm biến dòng chảy:

90wdoneluo.png


loại này không có bình tích áp, cũng không có rơ le áp suất, nó có cảm biến dòng chảy. Khi người dùng mở thiết bị nước thì sẽ có nước chảy và cảm biến này nhận thấy điều đấy sẽ đóng điện cho bơm chạy. Loại này thường gặp ở bơm công suất nhỏ, lắp hỗ trợ bình nước nóng hoặc máy giặt chứ ít gặp loại lớn như bơm (3) và (4).

Tất nhiên là nó cũng cho ra nước hỗn vì không tự điều chỉnh được công suất bơm.

2. Bơm "thông minh" (bơm biến tần)

68747470733a2f2f73656e766f692e766e2f7075626c69632f75706c6f61642f70726f647563742f6d61792d626f6d2d74616e672d61702d6269656e2d74616e2d32357a2d302e6a7067


- Giá tiền: từ vài triệu đến hàng chục triệu, tuy nhiên hiện nay Trung Quốc có những mẫu rất hay mà giá tiền chỉ khoảng 3-5 triệu (thậm chí rẻ hơn tuỳ chỗ bán).

- Tính năng:

Bơm có hệ thống tự động điều khiển tốc độ (cũng là thay đổi công suất) bơm bằng biến tần, đại loại là nó có cảm biến áp suất nước và một bộ điều khiển, bộ điều khiển này sẽ điều khiển tốc độ của bơm chạy sao cho áp suất nước luôn nằm gần ở khoảng mà người dùng thiết lập. Áp suất nước mà bơm này cho phép thiết lập thường nằm ở khoảng 1kgf đến 4kgf tuỳ công suất bơm.

Bơm này cũng có bình tích áp và van một chiều, tuy nhiên bình tích áp rất nhỏ, đủ để giữ áp lực nước khoá van một và giữ áp suất nước khi bơm không chạy.

- Nhược điểm: người dùng phải bỏ ra nhiều tiền hơn so với bơm "ngu".

- Ưu điểm của bơm này: hoạt động rất êm ái, có khởi động mềm (tăng tốc từ từ), tuỳ nhu cầu dùng nước nhiều hay ít của người dùng mà bơm sẽ tự chạy chậm hoặc nhanh, như vậy nó sẽ rất thích hợp cho việc lắp tăng áp tổng cho hệ thống cấp nước cả nhà. Tất nhiên là nước không hề "hỗn".

Ngoài ra bơm còn có những chức năng bảo vệ (dừng bơm khi xảy ra): rò nước, hết nước, điện áp quá cao - thấp, nhiệt độ bơm quá cao, lỗi động cơ, lỗi bo mạch điều khiển.

Trường hợp rò nước tức là khi bơm phát hiện nước được dùng ở một lưu lượng cố định trong thời gian dài thì nó sẽ hiểu rà nước đang bị rò, có cái hơi khó chịu là nếu dùng nước tưới vườn lâu quá bơm sẽ ngắt, khắc phục bằng cách cứ vài phút lại thay đổi lưu lượng nước dùng là được (đóng van nước nhỏ lại rồi mở ra thì lưu lượng nước sẽ thay đổi và bơm sẽ không hiểu rằng nước bị rò).

Tính năng ngắt khi không có nước cũng vô cùng quan trọng, đối với bơm ngu mà hết nước thì không có áp suất để làm cho rơ le ngắt điện vào bơm, lúc này bơm chạy liên tục dẫn tới tốn điện và hỏng bơm (hỏng phớt chặn nước vì chạy khô). Bơm thông minh thì hết nước nó sẽ ngắt bơm.

Như vậy mặc dù nó đắt hơn bơm "ngu" nhưng lại rất đáng đồng tiền bỏ ra.

IV. Lựa chọn bơm

Như những gì phân tích ở phần III thì bơm biến tần là chân ái rồi, do vậy phần lựa chọn này sẽ chỉ còn nhắc đến nó.

Đối tượng ở đây là bơm biến tần của Trung Quốc vì nó rẻ mà nhiều tính năng, độ bền thì dùng đến lúc hỏng (cũng bền đấy, nhưng chưa có thống kê nên chỉ nói chung chung là bền thôi, không phải dạng ọp ẹp hàng mã hay đồ chơi con nít đâu, hiệu năng/giá thành rất tốt).

Trung Quốc thiết kế 3 dòng bơm phổ thông, có nhiều nhãn hiệu và kiểu dáng khác nhau nhưng chắc đồ lòng cũng như nhau, mấy năm trước thì thương hiệu phổ biến nhất là Maxtop, sau đấy là Maxterm, giờ có nhiều thương hiệu và kiểu dáng khác như Prodn, Awasi…

Nhưng do mình đã được trải nghiệm loại bơm có tính năng và kiểu dáng như hình nên sẽ chỉ tập trung vào nó. Qua 3 lần đổi tên thì nó vẫn nhìn như thế thôi, tính năng vẫn vậy, tiền vẫn vậy.

1. Công suất bơm

Có nhiều mức công suất để lựa chọn như 370w, 550w, 750w, đối với gia đình thường xuyên sử dụng ở mức 2 thiết bị nước, thỉnh thoảng lên tới 3 và hiếm khi lên đến mức 4 thì chỉ cần chọn máy 370w là đủ, nếu mua dự phòng công suất thì mua lên mức 550w cũng chả sao.

Đừng thấy công suất lớn mà sợ tốn điện, vì nó tự động điều chỉnh được công suất bơm theo nhu cầu sử dụng nên còn ít tốn điện hơn cả đám bơm "ngu", tất nhiên khi dùng nhiều nước thì nó phải ăn thêm điện để đạt được mức nước mà người dùng mong muốn.

Đối với máy có công suất 750w thì khi dùng phải kết hợp với ống nước lớn, ít nhất loại 34mm mới phát huy được năng lực của nó, bởi ống nhỏ quá thì vẫn xảy ra hiện tượng hụt nước tại thiết bị nước do nước chảy không kịp, lúc này ở cảm biến của bơm thì áp suất vẫn đủ theo cài đặt nên sẽ lãng phí năng lực của bơm.

Chứ máy 750w hoặc 550w mà cắm vào cái ống 21mm thì nó cũng không thể đẩy nước chảy nhiều hơn cái 350w được.

2. Nhiệt độ nước

Loại bơm này nhiệt độ nước chỉ cho phép 60 độ, nên không thể dùng cho đường nước nóng từ bình nước nóng năng lượng mặt trời. Muốn dùng cho đường năng lượng mặt trời thì vẫn có loại chịu được nhiệt độ cao hơn, đắt tiền hơn.

3. Lắp bơm ở vị trí nào

Với loại bơm này thì lắp sau vòi ra của bồn chứa nước trên cao, vị trí thuận tiện để đấu nối nước, cấp điện và tránh mưa nắng.

Hoặc cũng có thể lắp trên bể ngầm để đẩy nước trực tiếp lên các thiết bị nước, nhưng trường hợp này ít gặp vì hầu như nhà nào cũng có bồn chứa nước trên cao.

4. Lưu ý khi lắp bơm để phòng trường hợp mất điện hoặc hỏng bơm, phải tháo bơm đi sửa

Khi mất điện thì lượng nước chảy từ trên bồn chứa trên cao xuống các thiết bị nước sẽ giảm so với trước khi lắp bơm, bởi vì nước phải qua các chi tiết của bơm nên bị cản trở.

Hoặc khi máy bơm có sự cố cần phải tháo bơm ra sửa chữa, thay thế thì để tránh phức tạp trong lắp đặt hoặc gián đoạn cấp nước, ta nên làm như sau:

Untitled-1.jpg


- Sơ đồ trên thì (1) là bồn chứa nước, (2) là thiết bị nước, bên trái là sơ đồ bình thường của một hộ gia đình khi nước từ bồn chứa đi trực tiếp vào thiết bị nước, còn bên phải là có lắp bơm tăng áp.

Chú thích:

(3): bơm tăng áp

(4): khoá nước

(5): rắc co

(6): van một chiều (hoặc khoá nước)

Như vậy khi mất điện thì nước sẽ chảy qua van một chiều (6) chứ ít qua bơm (trường hợp không mua được van một chiều thì mở khoá thủ công cũng được), lưu lượng nước sẽ lớn hơn. Còn khi tháo máy đi sửa thì khoá van (4) và rắc co (5) là xong.

Tạm thời thế đã, sẽ có cập nhật, điều chỉnh và giải đáp một số thắc mắc nếu có ai hỏi.
 
Last edited:
Mình cũng vừa đổi sang 1 con bơm biến tần shirai 400W. Cho mình hỏi mức điều chỉnh bao nhiêu là hợp lý. Mức cho chỉnh của nó cao nhất là 2.3. Hiện tại mức đang sử dụng là 2.0 (nhà có 4 người)
 
Mình cũng vừa đổi sang 1 con bơm biến tần shirai 400W. Cho mình hỏi mức điều chỉnh bao nhiêu là hợp lý. Mức cho chỉnh của nó cao nhất là 2.3. Hiện tại mức đang sử dụng là 2.0 (nhà có 4 người)
Để ở ngưỡng 1,5-2 là ổn rồi bác, để cao quá cũng không cần thiết mà lại tốn điện hơn.
 
Chào bác, nhà e đang vào giai đoạn làm điện nước, hiện e đang để Ống từ téc nước từ tầng 3 (14m) e đang để ống trục dọc 63 xuống các thiết bị 25 có cần thiết lắp bơm ko bác.
 
Chào bác, nhà e đang vào giai đoạn làm điện nước, hiện e đang để Ống từ téc nước từ tầng 3 (14m) e đang để ống trục dọc 63 xuống các thiết bị 25 có cần thiết lắp bơm ko bác.
Tầng nào rồi cũng phải mua bơm thôi, bơm ngu thì yếu đùng cái phọt ào ào, bơm khôn thì giữ đc mức áp đều đã chỉnh trc.
 
Tầng nào rồi cũng phải mua bơm thôi, bơm ngu thì yếu đùng cái phọt ào ào, bơm khôn thì giữ đc mức áp đều đã chỉnh trc.
Trên youtube có mấy clip tự chế cái ống tăng áp lắp giữa đường nước có hiệu quả ko bác
 
Trước trại dùng cái máy bơm rơ le này dính lúc bồn hết nước nên bị cháy mất cái tụ. Loại bơm rơ le cũng có nhiều cái hay, đẩy nước tốt.
 
Trên youtube có mấy clip tự chế cái ống tăng áp lắp giữa đường nước có hiệu quả ko bác
ko hiệu quả nha bác, làm content thu hút view cho vui thôi, hiệu quả nhất vẫn là bọn bơm tăng áp bác ạ. Loại bơm khôn duy trì áp lực nước hiệu quả nhất.
Còn téc nước trên cao chỉ lợi tầng thấp nhất, các tầng càng gần téc nước càng mất hiệu quả, nhà đông thành viên có khi ông tầng dưới nấu ăn, tầng giữa tắm, tầng trên ị thì ông ị mất nước ấy chứ
 
ko hiệu quả nha bác, làm content thu hút view cho vui thôi, hiệu quả nhất vẫn là bọn bơm tăng áp bác ạ. Loại bơm khôn duy trì áp lực nước hiệu quả nhất.
Còn téc nước trên cao chỉ lợi tầng thấp nhất, các tầng càng gần téc nước càng mất hiệu quả, nhà đông thành viên có khi ông tầng dưới nấu ăn, tầng giữa tắm, tầng trên ị thì ông ị mất nước ấy chứ
Vậy đầu cấp nước từ téc ra to cũng ko hiệu quả ah bác. Nếu dùng bơm biến tần như kia ống qua bơm là 35 chia xuống các phòng là 25 ạ
 
Chào bác, nhà e đang vào giai đoạn làm điện nước, hiện e đang để Ống từ téc nước từ tầng 3 (14m) e đang để ống trục dọc 63 xuống các thiết bị 25 có cần thiết lắp bơm ko bác.
Ống to cho lưu lượng lớn chứ áp suất nước chỉ có tầng 1 là mạnh, tầng 2 và nhất là tầng 3 rất khó dùng.
Đang xây nhà thì dự trù luôn vị trí lắp bơm sau này đi bác (xây đế, chờ điện...), có vài triệu mà những gì nó mang lại rất đáng tiền.
 
Vậy đầu cấp nước từ téc ra to cũng ko hiệu quả ah bác. Nếu dùng bơm biến tần như kia ống qua bơm là 35 chia xuống các phòng là 25 ạ
xài ống to phí lắm bác, cứ đi ống Φ25 để tiết kiệm tiền máy bơm, con bơm cỡ 250_500w đẩy áp lực cấp cho 3, 4 tầng khỏe rồi, bỏ qua yếu tố lọc đầu nguồn thì không cần đầu tư téc nước cũng đc, các nhà xài téc là để trữ khi bị cắt nước là chính!
 
thật, mua cái máy bơm, đi ẻ cũng thấy hạnh phúc hơn! Mé hồi xưa ở cái nhà cũ, nước từ téc xuống 2 tầng mà giật nước shit nó ko đi, chờ cho nước đủ giật lần nữa muốn nổ đom đóm mắt!
Nhưng ống trục thì cũng nên đi ở tầm 48, bé quá không đủ lưu lượng.
Giảm ống từ 63 xuống 48 cũng dư được mớ tiền để mua bơm rồi.
 
Back
Top